Loading...
Viteccons đang từng bước nghiên cứu việc ứng dụng Mô hình thông tin công trình(BIM)
June 13, 2014

Viteccons đang nghiên cứu, đề xuất các bước đi để thành công trong việc ứng dụng mô hình thông tin công trình - BIM (Building information modeling) trong sản xuất kinh doanh.

Sau đây là một số thông tin cơ bản và những ưu điểm nổi bật của BIM:

  • BIM là một mô hình 3 chiều để tạo ra, phân tích và truyền đạt thông tin trong công trình. Nó trợ giúp quá trình trao đổi và chia sẻ thông tin của công trình bằng cách số hóa tạo nên một mô hình của công trình trên máy vi tính mà mô hình này sẽ giống hệt như công trình thực tế ở ngoài công trường. Nói cách khác, BIM là quá trình xây dựng ảo dựa trên công cụ là các phần mềm cùng với sự tham gia của tất cả các bên liên quan đến dự án, từ Kiến trúc sư, Kỹ sư Kết cấu, kỹ sư Điện nước, nhà thầu, nhà quản lý…nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các giai đoạn trong vòng đời dự án, đồng thời phát hiện và xử lý các sự cố của dự án để dự án đạt được đúng những mục tiêu kế hoạch ban đầu.
  • BIM chứa đựng những thay đổi mang tính cách mạng trong việc thông tin của công trình xây dựng do hợp nhất được thông tin từ tất cả các khía cạnh của quá trình xây dựng công trình, vì vậy BIM có thể làm tăng hiệu quả sử dụng và tính sẵn có của các thông tin này lên gấp nhiều lần. Các công việc của BIM cũng không phải hoàn toàn do phần mềm máy tính làm, mà do con người điều khiển thông qua công cụ là các phần mềm. Cho đến nay, giới chuyên môn nhận định, BIM là công nghệ mới nhất, tốt nhất về mặt lý thuyết cho các dự án dựa trên nhu cầu chia sẻ và thống nhất thông tin của các nhà thiết kế, chia sẻ trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu.


Tiến trình BIM và các bên liên quan

Các ưu điểm nổi bật của BIM:

  • Tăng khả năng phối hợp thông tin (tăng sự hợp tác giữa các bên có liên quan): BIM cung cấp một cái nhìn tổng thể rõ ràng về công trình giúp các bên liên quan đến dự án đưa ra các quyết định phù hợp, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả công việc.
  • BIM cho phép sự hợp tác chưa từng có trong hoạt động thiết kế: BIM tạo ra cho tất cả các Chủ đầu tư và các nhà thầu cơ hội ngồi lại với nhau trong một không gian chung để tìm ra các xung đột giữa các bộ phận, cấu kiện của công trình, đồng thời tìm ra giải pháp cho các xung đột đó một cách thích hợp và hữu dụng nhất để tạo ra được một hệ thống bản vẽ thi công có tính chính xác cao, dẫn đến việc giảm tối đa các chi phí phát sinh ở trên công trường.
  • Thiết kế dễ hình dung hơn: Trong giai đoạn thiết kế ý tưởng, BIM được sử dụng để truyền tải ý tưởng thiết kế đến chủ đầu tư. Những hiệu ứng hình ảnh không gian ba chiều có sẵn trong BIM giúp cho việc truyền tải ý tưởng kiến trúc được thực hiện một cách có hiệu quả hơn rất nhiều. BIM giúp cho chủ đầu tư không chỉ hiểu được ý tưởng thiết kế một cách tốt hơn mà còn dễ dàng phản hồi thông tin đến nhà tư vấn kiến trúc để tư vấn kiến trúc có thể sửa đổi thiết kế sao cho đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư. Hơn thế nữa, BIM còn được sử dụng để đánh giá nhiều phương án thiết kế khác nhau, giúp cho việc xem xét và ra quyết định được chính xác hơn.
    Đối với các nhà thầu thì mô hình BIM là tương đối dễ hiểu và hiển thị được chiều sâu và cao độ một cách rõ ràng và dễ hình dung. Trên một bản vẽ không sử dụng công nghệ BIM, nhà thầu có thể không nhìn ngay ra được một lối vào trên bản vẽ sẽ trông như thế nào khi nó được hoàn thành. Tuy nhiên, trên một mô hình BIM, lối vào này sẽ xuất hiện trên màn hình máy tính giống như hình ảnh nó sẽ được thực hiện trên thực tế.
  • Tính linh hoạt: Với BIM, rất dễ dàng để điều chỉnh thiết kế. Khi có một sự thay đổi ở mô hình BIM thì nó sẽ tự động cập nhật tất cả các bản vẽ thành phần mà bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi đó. Một khi sự thay đổi được thực hiện với mô hình BIM thì sẽ không cần thiết phải có những sự điều chỉnh thủ công trên từng bản vẽ thành phần nữa. Các nhà thiết kế đơn giản chỉ cần in mới bản vẽ xây dựng
  • Cải thiện tính toán chi phí: BIM có thể đơn giản hóa và giúp việc tính toán chi phí do thông tin có tính chiều sâu và chính xác mà nó cung cấp. Mối liên hệ dễ dàng với vật liệu và số chi tiết lắp đặt có thể xuất ra từ mô hình có thể cải thiện tốc độ và độ chính xác của việc ước tính, đưa ra những thay đổi về kiểu dáng thiết kế vì vậy các vấn đề về chi phí có thể được giải quyết một cách chủ động
  • Giảm chi phí lắp đặt: Mô hình BIM có thể được sử dụng để làm sẵn các chi tiết của công trình, ví dụ như là ống dẫn một cách đáng tin cậy. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí liên quan đến lắp ráp và lắp đặt.
  • Lịch sử công trình: Khi một công trình được thông qua khâu thiết kế, lắp đặt và được sử dụng, mô hình kĩ thuật số có thể được dùng như một thông tin quan trọng cho chủ sở hữu và nhà thầu dịch vụ. Nếu một phần công trình được làm lại mô hình mới, mô hình thông tin công trình sẽ được sử dụng để xác định các chi tiết kín, như ống dẫn và thiết bị điện để xúc tiến các quyết định trên mô hình thiết kế mới.


Mô hình chia sẻ thông tin trong BIM